Hàng năm từ tháng Giêng đến tháng Tám (Âm lịch), cá bống lại nối đuôi nhau ngược dòng từ cửa biển lên thượng nguồn sông Trà khúc. Đây cũng là lúc người dân ven bờ vào vụ đánh bắt cá bống trên sông này.
Clip: khám phá, trải nghiệm cách đánh bắt cá bống cũng như nghệ thuật chế biến món cá bống sông Trà đặc biệt này nhé.
Cứ đến độ tháng Giêng hàng năm, từ giữa lòng sông,những doi cát bắt đầu ngoi lên khỏi mặt nước và chia đôi dòng chảy, rồi đẩy chúng dần nép sát vào hai bờ. Đây cũng là lúc người dân sinh sống ven bờ bước vào mùa đánh bắt cá bống.
Có nhiều loại cá bống khác nhau, như bống hoa, bống mú… sinh sống ở các con sông suối.
Thế nhưng chỉ có loại cá bống sống ẩn mình dưới cát, trong làn nước mát xanh, ăn loại rong rêu của con sông Trà Khúc thì thịt ngon, dai và thơm không đâu có thể sánh bằng.
Có nhiều cách đánh bắt cá bống khác nhau như dùng lưới trũ kéo, làm bờ đắp… nhưng phổ biến hơn cả là thả ống (trúm).
Ống là dụng cụ làm bằng thân cây tre đã được phơi khô có đường kính khoảng 3cm, dài 1,2m.
Bên trong ống, các vách ngăn giữa các mắt đã được đục bỏ, 2 đầu thì để trống còn ở giữa thân ống người ta đục một lổ nhỏ cỡ đầu chiếc đũa ăn để làm chỗ cắm que.
Ống được cắm dọc theo ven bờ và đặt nằm cùng với chiều nước chảy ở mực nước sâu từ 3-5m.
Thời điểm thả ống thường từ buổi chiều hôm trước, đến sáng sớm hôm sau thì dỡ. Ông Trương Thành Bản, ở xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi cho biết: Khi dỡ ống phải nhẹ nhàng, nhanh tay tránh gây nên tiếng động mạnh làm cho cá bống ở trong trúm chạy ra ngoài; đồng thời người dỡ dùng tay bịt chặt ở hai đầu rồi đổ cá vào rổ hoặc giỏ…
Theo một số người dân làm nghề này thì mỗi đêm thả từ 100-200 ống, lượng cá bống sông Trà bắt được từ 0,8-2kg cá bống, thu về 300-700.000 đồng.
Nguồn: Danviet.vn